Những ngành đáng chú ý trong 6 tháng cuối năm

Những ngành đáng chú ý trong 6 tháng cuối năm
Những ngành đáng chú ý trong 6 tháng cuối năm

Theo SSI, hàng tiêu dùng, dược, xây dựng và VLXD sẽ là những ngành đáng được chú ý trong nửa cuối năm 2009. Lợi nhuận các DN khác sẽ tiếp tục tăng nhưng yếu tố đột biến sẽ ít đi.



Trong báo cáo đánh giá kết quả kinh doanh quý II/2009 của 41 công ty niêm yết trên hai sàn, bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn nhận thấy mặc dù tăng trưởng lợi nhuận của nhóm các công ty này tăng trên 40% song doanh thu chỉ tăng trên 3%.

Cổ phiếu một số nhóm ngành như vật liệu xây dựng hoặc ngân hàng có diễn biến tăng trưởng doanh thu cao. Điều này giải thích bởi gói kích cầu của Chính phủ đã có tác động tích cực giúp mức tiêu thụ về vật liệu xây dựng tăng cao trong khi hoạt động tín dụng cũng tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm.

Ngoài ra, những ngành mang tính ổn định cao như tiêu dùng cơ bản (sữa, dầu ăn), điện, dược vẫn giữ được mức doanh thu cao nhờ duy trì được sản lượng tiêu thụ.

Một số trường hợp tăng trưởng doanh thu đột biến mang tính nhất thời so với cùng kỳ như TBC (lượng mưa lớn hơn so với cùng kỳ), VSCDXP (tình trạng ùn tắc hàng đông lạnh tại khu vực cảng Hải Phòng giúp các công ty có doanh thu cao đột biến), SJS (do doanh thu quý II/2008 quá thấp).


Nguồn: SSI


Nguồn: SSI

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của một số công ty trong quý II đã vượt ngoài dự đoán của khối phân tích nhờ yếu tố đầu tư tài chính (SAM, KDC, REE); hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho (DPM, HPG); bán tài sản (VNM – bán liên doanh bia tăng lợi nhuận thêm 225 tỷ đồng).

Nửa cuối 2009: Bất ngờ có lặp lại?

Theo bộ phận phân tích SSI, tăng trưởng doanh thu của 41 công ty phân tích trong nửa cuối năm 2009 sẽ là 0,9% so với cùng kỳ 2008. Các công ty trong ngành vận tải, dầu khí, cao su và điện sẽ có mức doanh thu sụt giảm trong nửa cuối 2009.

Các công ty vận tải (VSP, PVT, GMD) vẫn sẽ tiếp tục khó khăn do cước giảm quá mạnh. Ngành dầu khí và cao su cũng có doanh thu giảm do giá dầu và cao su tự nhiên mặc dù phục hồi nhưng vẫn thấp hơn nửa cuối năm 2008.

Ngành điện cuối năm 2008 có doanh thu cao đột biến do mưa nhiều và điều này khó có thể lặp lại trong năm 2009. Ngành thủy sản có thể có doanh thu khả quan hơn đầu năm do thời vụ của ngành nhưng khó có tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước và khó đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2009.

Ngược lại, một số ngành có doanh thu tăng trưởng nhờ sản lượng tiêu thụ là vật liệu xây dựng (xi măng, ống nhựa, thép), hàng tiêu dùng (sữa, bánh kẹo, dầu ăn), dược …



Nguồn: SSI - Ước tính của các chuyên viên SSI - sử dụng dự kiến doanh thu của các công ty

Lợi nhuận vẫn tăng mạnh nếu so với nửa cuối 2008

Theo ước tính của bộ phận phân tích SSI, mức tăng trưởng lợi nhuận của các công ty trong nhóm phân tích trong nửa cuối năm 2009 sẽ là 59,1% so với cùng kỳ.

Về tình hình sản xuất kinh doanh chính, các ngành dự báo tăng trưởng sản lượng tiêu thụ như hàng tiêu dùng, dược, vật liệu xây dựng có nguồn cầu tốt sẽ tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ; các công ty vay vốn với lãi suất thấp (bù lãi suất 4% trong gói kích cầu của Chính phủ - DPM, [HAG], HPG, DHG, NTP)…có lợi thế về chi phí vốn thấp; các công ty có doanh thu sụt giảm thì lợi nhuận hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ sụt giảm theo (dầu khí, cao su tự nhiên, thủy điện, vận tải).



Nguồn: Ước tính của chuyên viên SSI

Về lợi nhuận khác, các công ty đầu tư vào TTCK như REE, GMD, VNM, STB, ACB, BMI, PVI sẽ ít có rủi ro phải trích lập dự phòng đầu tư CK giống năm 2008 do thị trường đã hồi phục và ổn định hơn; thậm chí sẽ được hoàn nhập một phần dự phòng tài chính (ACB, STB, VCB); ngoài ra các công ty phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cũng ít có khả năng phải trích lập nhiều hơn do xu hướng giá nguyên vật liệu cơ bản vẫn ở vùng thấp và khó có khả năng giảm sâu.

Đối với các công ty phải ghi nhận lỗ do chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện cho các khoản nợ vay bằng ngoại tệ sẽ chịu áp lực ít hơn vì hạch toán khoản này không sử dụng tỷ giá giao dịch mà sử dụng tỷ giá chính thức của NHNN (dưới 17.000 đồng/USD).

Phương Mai

0 nhận xét: